Cầu nội địa đã giúp doanh nghiệp thép tăng trưởng ra sao?

Diệp Anh/BNEWS/TTXVN 09:40' - 01/12/2021
 


 
 
Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép các loại tính trong tháng 10 vẫn tăng trưởng do kế thừa được kết quả kinh doanh tốt của những tháng đầu năm 2021.

Nhu cầu dồn nén và hoạt động xây dựng hồi phục sau khi dịch COVID-19 dần được kiểm soát cùng với các biện pháp giãn cách xã hội giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tôn thép tiếp tục thăng hoa trong những tháng cuối năm.

Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam chỉ ra rằng, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép các loại tính trong tháng 10 vẫn tăng trưởng do kế thừa được kết quả kinh doanh tốt của những tháng đầu năm 2021.
Theo đó, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,87 triệu tấn, tăng 19,36% so với tháng 9 và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu thụ thép các loại đạt 2,67 triệu tấn, tăng lần lượt 20,55% so với tháng trước và 36,4% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng tháng 10, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, sản lượng tiêu thụ thép các loại đạt 968.000 tấn, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thép xây dựng đóng góp nhiều nhất với 467.000 tấn, tăng 87%...
Tập đoàn Hoà Phát cho biết, Chính phủ áp dụng chiến lược chống dịch theo hướng thích ứng linh hoạt đã tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới, các dự án đầu tư công được đẩy mạnh tiến độ giải ngân... Đây là những cơ sở quan trọng giúp việc tiêu thụ thép của Hòa Phát có sự tăng trưởng tốt hơn so với các tháng trong quý III.
Trước đó, Tập đoàn Hòa Phát thông báo doanh thu quý III đạt 38.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 56% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 10.350 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này đạt quy mô lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng chỉ trong một quý.


Thép mạ màu thành phẩm. Ảnh minh họa: Hồng Nhung/TTXVN
Không chỉ tiêu thụ nội địa tăng, theo Tổng cục Hải quan, tháng 10 ghi nhận là tháng thứ tư liên tiếp có xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó, doanh nghiệp trong nước có mức xuất khẩu nhóm hàng này khá cao trong 3 tháng trở lại đây.
Riêng trong tháng 10, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,22 triệu tấn với trị giá 1,23 tỷ USD đưa lượng xuất khẩu 10 tháng năm 2021 lên 11,07 triệu tấn, tăng 39,6% về lượng với trị giá là 9,65 tỷ USD, tăng 132,1% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 5,5 tỷ USD. Đây là nhóm hàng có tốc độ tăng cao nhất trong 10 tháng qua trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Điển hình như Công ty cổ phần Thép Nam Kim, nhờ việc thiếu nguồn cung thép tại châu Âu do việc cắt giảm sản lượng trong bối cảnh COVID-19 mà doanh nghiệp này đã nâng tỷ lệ xuất khẩu tôn thép lên 80%.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, doanh thu quý III Thép Nam Kim tăng 123% đạt 7.531 tỷ đồng. Về cơ cấu doanh thu, doanh thu nội địa đạt 6.670 tỷ đồng, tăng 42% và đóng góp 34,6% tổng doanh thu; doanh thu xuất khẩu 12.740 tỷ đồng, gấp 3,7 lần và tỷ trọng 65,4%.
Đại diện Thép Nam Kim thông tin, thời gian qua, doanh nghiệp này đã đẩy mạnh các kênh bán hàng trong nước và xuất khẩu, sản lượng sản xuất tăng làm cho chi phí giảm, biên lợi nhuận gộp cải thiện.
Dù dự báo sản lượng xuất khẩu có thể chậm lại do chuỗi cung cứng toàn cầu ổn định, song ở góc độ của các chuyên gia của VCBS nhận định, Thép Nam Kim sẽ tiếp tục duy trì biên lợi nhuận gộp cao trong thời gian tới, thậm chí sang năm 2022 từ xuất khẩu. Lập luận này được các chuyên gia dự báo trên cơ sở Thép Nam Kim ký bán hàng trước từ 4 - 5 tháng trong khi đó giá bán hàng thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG) tại thị trường châu Âu của doanh nghiệp vẫn duy trì ở mức trên 1.500 USD/tấn cho đến hết quý I/2022.
Ngoài ra, với sản phẩm chủ lực là tôn mạ và tôn mạ cũng chiếm tỷ trọng hơn 87% trong cơ cấu xuất khẩu của doanh nghiệp, việc giá thép cuộn cán nóng (HRC, đầu vào của cho sản xuất tôn mạ) trong khu vực duy trì ở mức 900 USD/tấn và vẫn trong xu hướng giảm là yếu tố hỗ trợ cho các doanh nghiệp tôn thép có thị phần xuất khẩu lớn như Thép Nam Kim.

Lô hàng thép xuất khẩu đầu tiên từ Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: TTXVN
Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu ngày càng cao, các doanh nghiệp đang mở rộng tăng trưởng theo hướng nắm chuỗi giá trị ngành. Đơn cử Hòa Phát hiện nay đang phát triển thêm các mảng sản xuất chế tạo các sản phẩm sau thép nhằm tạo thêm thị trường tiêu thụ cho thép HRC. Cụ thể, tập đoàn đã thành lập công ty chế tạo container và công ty chế tạo điện lạnh.
Theo đánh giá của VCBS, hai mảng này phù hợp với nhu cầu của thế giới trong tương lai. Đặc biệt khi Tập đoàn Hoà Phát triển khai giai đoạn 2 của nhà máy Dung Quất 2, với công suất 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11 trong sắc đỏ; tuy nhiên, nhóm cổ phiếu thép duy trì sắc xanh. Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát tăng, niêm yết 48.950 đồng/đơn vị; cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim cũng tăng, niêm yết 43.000 đồng/đơn vị; tương tự với cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen, với thị giá 39.550 đồng/đơn vị./.

Nguồn: bnews.vn/



Các tin khác